Điều trị
Để điều trị suy thận mạn tính, cần điều trị bệnh nền trước nếu có thể. Ngoài ra, việc điều trị bệnh thận mạn (CKD) nhằm mục đích làm chậm tiến triển của bệnh thông qua nhiều biện pháp khác nhau:
1.- Bình thường hóa huyết áp: tập thể dục, chế độ ăn uống cân bằng với giảm cân và thuốc chống tăng huyết áp có thể là một phần của phương pháp tiếp cận theo nhiều hướng để duy trì huyết áp trong tầm kiểm soát.
2.- Kiểm soát đường huyết trong bệnh tiểu đường: thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc giảm đường huyết.
3.- Chế độ dinh dưỡng: Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) nên tham vấn bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Chế độ ăn ít muối, ít phốt-phát và không có protein dư thừa là phần cơ bản trong việc điều trị tổng thể cho tất cả bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD).
4.- Trọng lượng cơ thể: Duy trì cân nặng khỏe mạnh là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của bạn. Nếu cơ thể bạn đang giảm cân một cách không chủ ý, bạn có thể không nhận được dinh dưỡng phù hợp để giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ dinh dưỡng của bạn có thể gợi ý cách để bổ sung thêm calo cho chế độ ăn uống của bạn một cách an toàn nếu cần.
Mặt khác, nếu bạn dần dần tăng cân quá nhiều, bạn có thể cần giảm lượng calo và tăng mức độ hoạt động của mình. Tăng cân đột ngột cũng có thể là vấn đề. Nếu tăng cân đột ngột kèm theo triệu chứng sưng, khó thở và tăng huyết áp, đây có thể là dấu hiệu có quá nhiều dịch trong cơ thể bạn. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn nếu cân nặng của bạn thay đổi đáng kể.
5.- Cai thuốc lá: hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những cách hỗ trợ hiện có để giúp bạn ngừng hút thuốc.
6.- Dùng thuốc giảm cholesterol trong trường hợp có lượng cholesterol cao⁶.
7.- Tránh dùng thuốc làm tổn thương thận (ví dụ như một số thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc cản quang)
Điều quan trọng là bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) cần được thăm khám và theo dõi thường xuyên bởi bác sĩ chuyên khoa thận (bác sĩ thận tiết niệu), đặc biệt là khi bệnh trở nên khó kiểm soát, không đáp ứng tốt với điều trị hay tiến triển dù có điều trị. Bệnh thận mạn (CKD) có nguyên nhân di truyền cũng phải được bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi.
Ngoài ra, cần điều trị các biến chứng có thể xảy ra của bệnh thận mạn (CKD) chẳng hạn như thiếu máu và các rối loạn chuyển hóa xương hoặc axit-bazơ.
Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, do đó, họ cần được phòng ngừa tiêm vắc-xin đầy đủ để chống lại các bệnh như cúm và các bệnh khác. Tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại vắc-xin mà bác sĩ khuyến nghị sử dụng trong trường hợp của bạn.
Giai đoạn muộn của bệnh thận mạn (CKD) biểu hiện qua tình trạng suy giảm trầm trọng về thể trạng chung của bệnh nhân, kèm theo các triệu chứng như nôn và buồn nôn. Ở giai đoạn này, thận hầu như đã ngưng hoạt động và cần thực hiện nhân tạo các chức năng lọc mà chúng không thể thực hiện được nữa. Đây được gọi là liệu pháp thay thế thận hoặc thẩm tách. Bệnh nhân phải được nối với một loạt các máy móc và màng lọc nhân tạo để thực hiện việc giải độc máu và loại bỏ chất thải độc hại.
Thẩm tách là gì?
Thẩm tách, còn được gọi là “điều trị thay thế thận”, là liệu pháp cần thiết khi bệnh thận mạn (CKD) tiến triển đến mức thận không còn thực hiện được nhiệm vụ bình thường nữa.
Khi đó, việc thẩm tách thực hiện các nhiệm vụ quan trọng sau đây của thận:

Bài tiết các chất độc

Bài tiết nước

Điều chỉnh cân bằng điện giải và pH
Có thể sử dụng hai phương pháp thẩm tách sau đây:
- Thẩm tách máu
- Thẩm phân phúc mạc
Thẩm tách máu sử dụng máy thẩm tách trong trung tâm chạy thận để làm sạch máu của bệnh nhân từ bên ngoài. Trong thẩm phân phúc mạc, máu được làm sạch bên trong bụng trong một khoảng không được gọi là phúc mạc và có thể được thực hiện ở nhà.
Nguyên tắc cơ bản là tương tự nhau cho cả hai phương pháp thẩm tách. Máu chảy theo một màng bán thấm có chức năng như một màng lọc, dịch lọc giúp tách các chất thải, tương tự như cách thận khỏe mạnh hoạt động.
Trong quá trình thẩm tách, các chất độc được loại bỏ khỏi máu và các chất mà cơ thể còn thiếu sẽ được bổ sung.
Thận khỏe mạnh lọc máu 24 giờ/ngày. Việc thẩm tách phải thực hiện khối lượng công việc này trong thời gian ngắn hơn nhiều và đôi khi không thể loại bỏ tất cả các chất độc hại trong thời gian này. Đó là lý do tại sao chế độ ăn uống và chú ý đến lượng chất lỏng nạp vào là rất quan trọng khi bệnh nhân chạy thận.
Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) cần thẩm tách khi nào?
Phải bắt đầu liệu pháp thẩm tách khi bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) tiến triển biểu hiện các triệu chứng được gọi là "ngộ độc tiết niệu" hoặc “urê huyết". Các triệu chứng này thường xuất hiện khi GFR của bệnh nhân giảm xuống dưới 5-10 ml / phút / 1,73 m² và có thể bao gồm triệu chứng buồn nôn, nôn, ngứa và lú lẫn.
Thẩm tách cũng cần thiết nếu huyết áp cao, quá nhiều nước trong cơ thể hoặc thành phần điện giải của máu không thể được điều trị đầy đủ.
Đối với bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối (tức là vĩnh viễn), việc cấy ghép thận là một lựa chọn khác để lấy lại chức năng của thận.
Chuẩn bị cho thẩm tách máu - Tiếp cận mạch máu
Thẩm tách máu đòi hỏi phải lấy máu và truyền máu trở lại cho bệnh nhân rất thường xuyên. Máu đi qua máy thẩm tách để làm sạch và máu đã được làm sạch sẽ được truyền trở lại cho bệnh nhân. Để có thể thực hiện điều này, cần có đường tiếp cận mạch máu đặc biệt. Đường tiếp cận này được gọi là “lỗ thông” và là mối nối được tạo ra giữa tĩnh mạch và động mạch bằng cách phẫu thuật và thường nằm trên cẳng tay.
Thẩm tách máu mất bao lâu?
Theo nguyên tắc chung, thẩm tách máu được thực hiện trong một trung tâm chạy thận chuyên biệt 3 lần một tuần. Mỗi lần đến, bệnh nhân được nối với một máy thẩm tách trong 4-5 giờ.
Nhưng điều quan trọng cần làm rõ là tần suất thực hiện thẩm tách và thời gian diễn ra thẩm tách khác nhau tùy thuộc vào chức năng thận còn lại và chiều cao của bệnh nhân, cùng với các yếu tố khác.
Một số bệnh nhân có thể được lựa chọn thẩm tách máu tại nhà, trong trường hợp này, bệnh nhân và người chăm sóc được dạy cách thực hiện các điều trị một cách an toàn bằng máy thẩm tách tại nhà.
Thẩm phân phúc mạc có thể thực hiện ở nhà và có thể là một biện pháp thay thế cho bệnh nhân phù hợp. Hãy hỏi bác sĩ để biết rõ loại thẩm tách nào là tốt nhất trong trường hợp của bạn.
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng một người bị thiếu tế bào hồng cầu khỏe mạnh hoặc hemoglobin. Hồng cầu mang hemoglobin, một protein gắn kết với oxy và phân phối oxy trong toàn cơ thể. Nếu không có đủ tế bào hồng cầu trong cơ thể, điều này có nghĩa là các mô và cơ quan có thể không có đủ oxy để hoạt động tốt. Thiếu máu có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu đơn giản.
Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán và điều trị thiếu máu. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn lo lắng về việc bị thiếu máu.
Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) thường bị thiếu máu và nguy cơ bị thiếu máu có thể tăng lên khi bệnh thận mạn (CKD) tiến triển.
Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu máu trong bệnh thận mạn (CKD):
- Thận khỏe mạnh tạo ra hoóc-môn gọi là erythropoietin (EPO). EPO phát tín hiệu đến tuỷ xương của bạn để tạo ra các tế bào hồng cầu. Thận bị tổn thương sẽ tạo ra ít EPO hơn và điều này có thể dẫn đến việc có ít tế bào hồng cầu hơn và ít oxy hơn được chuyển đến các cơ quan và mô của cơ thể. Ngoài ra, những tế bào hồng cầu vốn đã ít hơn này có xu hướng sống ngắn hơn ở những người bị bệnh thận mạn (CKD), điều này càng góp phần gây thêm tình trạng thiếu máu.
- Những người bị bệnh thận mạn (CKD) có thể có mức dưỡng chất thấp, chẳng hạn như sắt, vitamin B12 và folate, vốn là những chất cần thiết để tạo nên tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
- Các nguyên nhân khác bao gồm mất máu, đặc biệt là ở những bệnh nhân được điều trị thẩm tách cho suy thận, nhiễm trùng, viêm, suy dinh dưỡng.
Thiếu máu có thể dẫn đến nhiều triệu chứng:
• suy kiệt hoặc mệt mỏi
• khó thở
• da xanh tái, ốm yếu
• đau nhức cơ thể
• đau ngực
• chóng mặt
• ngất
• nhịp tim nhanh hoặc không đều
• đau đầu
• các vấn đề về giấc ngủ
• khó tập trung và những vấn đề khác
Trước tiên bác sĩ sẽ điều trị bất kỳ bệnh nền nào có thể gây thiếu máu, ví dụ như thiếu sắt hoặc thiếu vitamin. Nếu bệnh nhân bị thiếu máu nhẹ và chỉ có một vài triệu chứng thì ban đầu có thể không cần có điều trị chuyên biệt. Điều trị thiếu máu có thể làm giảm một số triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong trường hợp thiếu sắt và vitamin, bác sĩ điều trị có thể cung cấp một thực phẩm bổ sung sắt hoặc vitamin. Ngoài ra, có các thuốc kích thích sản sinh hồng cầu (ESA) để điều trị thiếu máu có triệu chứng trong bệnh thận mạn (CKD). ESA gửi tín hiệu đến tuỷ xương để tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn và do đó thay thế chất EPO bị giảm do thận bị tổn thương tạo ra. Các loại thuốc này được dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da và phải được bác sĩ kê toa.
Bệnh nhân cũng nên cân nhắc trao đổi với bác sĩ và bác sĩ dinh dưỡng của mình để xây dựng kế hoạch dinh dưỡng nhằm hỗ trợ cho hành trình chữa bệnh của mình và kiểm soát thiếu máu.
Tài liệu tham khảo
1. Được điều chỉnh từ Findlay’s and Isles’ “Clinical Companion in Nephrology”, Springer Ed., 2015.
2. Được điều chỉnh từ “Comprehensive Clinical Nephrology”, 6th edition, Elsevier Ed., 2015.
5. Kidney Disease: Improving Global Outcomes (KDIGO) CKD Work Group. KDIGO 2012 Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Management of Chronic Kidney Disease. Kidney inter., Suppl. 2013; 3: 1–150.
6. Kidney Disease: Improving Global Outcomes (KDIGO) Lipid Work Group. KDIGO Clinical Practice Guideline for Lipid Management in Chronic Kidney Disease. Kidney inter., Suppl. 2013; 3: 259–305.
7. “Diabetic Nephropathy”, American Diabetes Association, Diabetes Care 2002 Jan; 25 (suppl 1): s85-s89.
8. Global, regional, and national burden of chronic kidney disease, 1990–2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study, 2017.
M-VN-00000923
Bạn cũng có thể thích
Bên dưới là các nội dung cùng chủ đề bệnh thận mạn