Tôi có thể gặp phải những triệu chứng nào?
Do thận có khả năng thích nghi tốt và có thể bù đắp cho một phần chức năng bị mất, các dấu hiệu và triệu chứng có thể không xuất hiện cho đến khi xảy ra tổn thương lớn không thể hồi phục.
Các triệu chứng của bệnh thận mạn (CKD) thường không đặc hiệu, có nghĩa là chúng cũng có thể do các bệnh khác gây ra.
Một số triệu chứng của bệnh thận mạn (CKD) có thể bao gồm:

Chán ăn

Suy kiệt và ốm yếu

Các vấn đề về giấc ngủ - mất ngủ

Co giật cơ

Tăng nhu cầu đi tiểu tiện - đặc biệt là vào ban đêm

Suy nghĩ kém nhạy bén và thay đổi tâm trạng

Đau ngực và/hoặc khó thở

Sưng bàn chân và mắt cá chân

Huyết áp cao (tăng huyết áp)

Ngứa da

Máu trong nước tiểu

Cảm thấy buồn nôn
Nếu có các triệu chứng tương ứng với bệnh thận, bác sĩ có thể hỏi những câu hỏi sau đây để biết thêm thông tin về tiền sử bệnh:
• Các triệu chứng này đã có trong bao lâu?
• Có bệnh nào khác không (ví dụ: cao huyết áp, tiểu đường)?
• Có ai trong gia đình bị bệnh thận không?
• Gần đây bạn có uống thuốc hay sử dụng thuốc cản quang để chụp ảnh chẩn đoán không?
Sau đó, bác sĩ sẽ khám thực thể, bao gồm đo huyết áp, xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.
Tôi nên làm những loại xét nghiệm nào nếu tôi muốn biết khả năng thận của tôi hoạt động như thế nào?
Chức năng của thận có thể được đánh giá bằng xét nghiệm máu và nước tiểu. Những xét nghiệm này có thể cho thấy chất thải của cơ thể được loại bỏ nhanh như thế nào và liệu thận có làm rò rỉ lượng protein bất thường hay không, đây là dấu hiệu của tổn thương thận. Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) cần phải làm những xét nghiệm này thường xuyên để bác sĩ có thể theo dõi chức năng thận của họ.
Tìm hiểu về xét nghiệm thận:
Có rất nhiều xét nghiệm máu và nước tiểu khác nhau có thể cung cấp thông tin về thận và sức khỏe tổng quát của bạn. Chúng tôi đã tóm tắt hầu hết các xét nghiệm này và mức độ phù hợp của chúng tại đây:
Protein niệu:
Thận bị tổn thương có thể làm rò rỉ protein trong nước tiểu của bạn. Protein tồn tại kéo dài trong nước tiểu thường là dấu hiệu sớm của bệnh thận mạn và có thể được phát hiện bằng xét nghiệm nước tiểu đơn giản. Với lượng lớn protein trong nước tiểu, bạn có thể nhận thấy nước tiểu có nhiều vẩn bọt
Có thể dùng các xét nghiệm khác nhau để kiểm tra protein trong nước tiểu:
Bước đầu tiên là xét nghiệm que thử nước tiểu dễ thực hiện và có thể cung cấp thông tin có giá trị về khả năng mắc bệnh thận. Các que thử đo xem lượng protein trong nước tiểu có cao bất thường hay không. Mọi protein được lọc ra thường được hấp thu lại và giữ lại trong cơ thể bạn nhưng khi thận của bạn bị tổn thương, protein sẽ bị rò rỉ vào trong nước tiểu.
Nếu kết quả xét nghiệm này bất thường, nước tiểu sẽ được kiểm tra kỹ hơn trong phòng xét nghiệm bằng một trong các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm nước tiểu |
|
Phân tích nước tiểu |
Đây là xét nghiệm thường quy có thể phát hiện protein trong nước tiểu cũng như hồng cầu và bạch cầu. Các chất và tế bào này thường không có trong nước tiểu và nếu có, chúng có thể là dấu hiệu của bệnh thận. |
Microalbumin niệu |
Xét nghiệm microalbumin niệu là một xét nghiệm nhạy có thể phát hiện dù chỉ một lượng nhỏ albumin (một loại protein) trong nước tiểu và là dấu hiệu sớm của tổn thương thận. |
Creatinine niệu |
Xác định nồng độ creatinine trong nước tiểu. Một cách khác để xác định mức độ tổn thương thận hiện tại. |
Tỉ lệ protein-trên-creatinine trong nước tiểu |
Cho phép xác định lượng protein được bài tiết trong nước tiểu trong một ngày |
Tỉ lệ albumin/creatinine (ACR) |
Xét nghiệm này phát hiện lượng albumin (một loại protein) trong nước tiểu trong một ngày. Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ khuyến nghị ACR là xét nghiệm ưu tiên để tìm dù chỉ một lượng albumin nhỏ trong nước tiểu (đây được gọi là microalbumin niệu)⁷. Có thể đo lượng protein và albumin niệu trong xét nghiệm đốm trên một lượng mẫu nhỏ hoặc làm xét nghiệm trên toàn bộ nước tiểu thu được trong vòng 24 giờ từ bệnh nhân. Mặc dù sẽ tốn khá nhiều công sức để lấy nước tiểu trong 24 giờ nhưng đôi khi việc này là cần thiết để cung cấp thông tin chính xác nhất về chức năng thận. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, bác sĩ cần đo huyết áp của bạn và yêu cầu xét nghiệm máu để đo nồng độ glucose và creatinine trong máu. Chúng tôi sẽ giải thích thêm về điều này trong phần tiếp theo. |
No filter results
Xét nghiệm máu |
|
Tốc độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) |
Sử dụng nồng độ creatinine trong máu, tuổi, kích thước cơ thể và giới tính, bác sĩ có thể tính toán eGFR cho bệnh nhân. Xét nghiệm eGFR là xét nghiệm tốt nhất hiện có để ước tính chức năng thận và xác định giai đoạn của bệnh. Xét nghiệm cũng cho phép theo dõi tiến triển bệnh và lập kế hoạch điều trị tương ứng. Hãy nhớ rằng bệnh thận mạn (CKD) được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội làm chậm lại hoặc làm dừng tiến triển bệnh càng cao. Giá trị của eGFR giảm khi bệnh thận tiến triển: điểm eGFR thấp hơn nghĩa là thận bị tổn thương nhiều hơn và chức năng thận kém hơn. eGFR cũng có thể được tính toán bằng cách sử dụng nồng độ của một protein khác được gọi là cystatin C. |
Creatinine huyết thanh |
Nồng độ creatinine lưu thông trong máu là một dấu hiệu cho chức năng thận. Creatinine là chất thải từ các hoạt động của sợi cơ và thường được thận lọc và loại bỏ ra khỏi máu. Khi chức năng thận kém đi, nồng độ creatinine trong huyết thanh tăng lên. Creatinine huyết thanh cũng được sử dụng trong tính toán eGFR. |
Cystatin C |
Cystatin C là một protein được tạo ra bởi tất cả các tế bào có nhân trong cơ thể. Việc loại bỏ protein này ra khỏi tuần hoàn máu được thực hiện gần như hoàn toàn bởi thận, nên đây là một dấu hiệu rất tốt cho hiệu quả hoạt động của thận. Do nồng độ cystatin C trong máu không phụ thuộc vào khối lượng cơ và giới tính (không giống như creatinine) nên đây là chỉ số nhạy cảm hơn cho phép tính eGFR. |
Nitơ urê máu (BUN) |
Là một chất thải thông thường từ sự phân hủy các protein trong thức ăn chúng ta tiêu thụ và một sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa trong cơ thể, nitơ urê thường được thận loại bỏ ra khỏi máu. Nồng độ BUN tăng lên khi chức năng thận kém đi. Nó cũng có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào lượng protein trong chế độ ăn của bạn. |
Albumin huyết thanh |
Albumin là một loại protein thường lưu thông trong máu. Nó được tạo ra từ protein chúng ta tiêu thụ trong chế độ ăn của mình. Thông thường, albumin quá lớn để có thể được lọc bởi thận nhưng khi thận bị tổn thương đủ nặng thì bệnh nhân có thể bắt đầu mất albumin trong máu qua thận. Nồng độ albumin thấp có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, bao gồm các vấn đề chống nhiễm trùng. Vì albumin hút chất lỏng và giữ dịch trong mạch máu nên mức albumin thấp cũng có thể dẫn đến ứ dịch và sưng phù toàn thân. Nồng độ albumin trong máu cũng bị ảnh hưởng bởi lượng protein trong chế độ ăn của bạn. |
Hemoglobin |
Hemoglobin là hợp chất hóa học của tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến mọi tế bào trong cơ thể. Nồng độ hemoglobin cho bác sĩ biết liệu bạn có bị thiếu máu không nếu nồng độ hemoglobin giảm xuống dưới giá trị bình thường. Thiếu máu có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, đánh trống ngực, bị kích động và cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng² |
TSAT và ferritin huyết thanh |
TSAT và ferritin huyết thanh là các phép đo lượng sắt trong cơ thể bạn và cơ thể bạn sử dụng và dự trữ sắt như thế nào. Sắt là một thành phần cơ bản của hemoglobin và là một phần không thể thiếu trong sự phát triển và chức năng chính xác các tế bào hồng cầu cũng như sản xuất năng lượng tế bào. |
Hoóc-môn cận giáp (PTH) |
PTH là một hoóc-môn do tuyến cận giáp tạo ra để điều chỉnh hàm lượng canxi và phốt-phát trong máu bằng các tác động của nó lên các xương, thận và ruột. |
Canxi |
Canxi là một khoáng chất quan trọng cho sự phát triển xương chắc khỏe. Bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) có thể bị mất canxi do quá trình lọc thận bị tổn hại và có thể làm giảm mức canxi trong máu, dẫn đến xương yếu hơn và tăng nguy cơ nứt gãy. |
Phốt-pho |
Sự chuyển hóa phốt-pho cũng có thể bị suy giảm ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD) dẫn đến nồng độ phốt-pho tăng trong máu. Nồng độ phốt-pho cao có thể dẫn đến xương yếu. |
Kali |
Kali là một khoáng chất trong máu giúp tim và cơ hoạt động tốt. Nồng độ kali quá cao hoặc quá thấp có thể làm yếu cơ và thay đổi nhịp tim của bạn, dẫn đến tình huống đe dọa tính mạng tiềm ẩn. Bệnh thận mạn (CKD) càng tiến triển thì nồng độ kali càng cao có thể dẫn đến nhiều biến chứng tiềm ẩn. |
Cholesterol toàn phần |
Cholesterol thường có trong máu bạn. Nồng độ cholesterol cao có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim và tuần hoàn. Đối với nhiều bệnh nhân, nồng độ cholesterol toàn phần nên dưới mức 200. Nếu nồng độ cholesterol của bạn quá cao, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn uống và tăng mức độ hoạt động của bạn. Trong một số trường hợp, thuốc giảm nồng độ cholesterol cũng được sử dụng. Đối với người lớn mới được xác định mắc bệnh thận mạn (CKD) (bao gồm những người được điều trị bằng thẩm tách dài hạn hoặc ghép thận), nên thực hiện đánh giá bằng nhiều loại thăm khám để xác định “hồ sơ lipid” bao gồm việc đo nồng độ cholesterol và các chất béo khác trong máu. (cholesterol toàn phần, cholesterol LDL, cholesterol HDL, triglyceride)⁶ |
No filter results
Tài liệu tham khảo
1. Được điều chỉnh từ Findlay’s and Isles’ “Clinical Companion in Nephrology”, Springer Ed., 2015.
2. Được điều chỉnh từ “Comprehensive Clinical Nephrology”, 6th edition, Elsevier Ed., 2015.
5. Kidney Disease: Improving Global Outcomes (KDIGO) CKD Work Group. KDIGO 2012 Clinical Practice Guideline for the Evaluation and Management of Chronic Kidney Disease. Kidney inter., Suppl. 2013; 3: 1–150.
6. Kidney Disease: Improving Global Outcomes (KDIGO) Lipid Work Group. KDIGO Clinical Practice Guideline for Lipid Management in Chronic Kidney Disease. Kidney inter., Suppl. 2013; 3: 259–305.
7. “Diabetic Nephropathy”, American Diabetes Association, Diabetes Care 2002 Jan; 25 (suppl 1): s85-s89.
8. Global, regional, and national burden of chronic kidney disease, 1990–2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study, 2017.
M-VN-00000923
Bạn cũng có thể thích
Bên dưới là các nội dung cùng chủ đề bệnh thận mạn