Ai có nguy cơ cao diễn biến nặng khi nhiễm Covid-19?
Nguy cơ diễn biến nặng có nghĩa là một người bị COVID-19 có khả năng cao tiến triển thành các tình trạng:1

Nhập viện

Cần chăm sóc đặc biệt

Cần thở máy

Tử vong
Theo WHO - COVID-19 thường nghiêm trọng hơn ở những người trên 60 tuổi hoặc những người có tình trạng sức khỏe như bệnh phổi hoặc tim, tiểu đường hoặc các tình trạng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của họ. Nếu bạn có nguy cơ cao, cần biết phải làm gì và thực hiện các hành động phù hợp sớm để bảo vệ chính mình.2 Vậy cụ thể các yếu tố nguy cơ cao là gì? Và có những phương pháp dự phòng, điều trị gì cho nhóm bệnh nhân này hay không?
Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cao (không theo thứ tự nặng – nhẹ và không giới hạn trong các yếu tố này)
Ấn vào từng biểu tượng để xem nội dung chi tiết

Có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19, theo dữ liệu từ CDC Hoa Kỳ hơn 81% số ca tử vong do COVID-19 xảy ra ở những người trên 65 tuổi . Số ca tử vong của những người trên 65 tuổi cao gấp 80 lần số tử vong của những người từ 18-29 tuổi. Theo 1 nghiên cứu từ Anh, tỷ lệ tử vong ở người trên 65 tuổi cao gấp 62 lần người dưới 54 tuổi.

Người có bệnh ung thư có thể dễ bị bệnh nặng do COVID-19 Kết quả một số nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư COVID-19 có nguy cơ cao hơn trong tất cả các biến cố nghiêm trọng. Bệnh nhân ung thư dường như có nguy cơ tử vong và bệnh nặng cao hơn do nhiễm SARS-CoV-2, bất kể họ có ung thư ở giai đoạn đang hoạt động hay không, và họ có đang điều trị chống ung thư hay không. Bệnh nhân ung thư huyết học, ung thư phổi, hoặc ung thư di căn (giai đoạn IV) có tần suất các biến cố nghiêm trọng cao nhất.

Mắc các bệnh phổi mãn tính có thể khiến bạn dễ bị bệnh nặng do COVID-19. Các bệnh phổi mãn tính này có thể bao gồm: Bệnh hen suyễn (mức độ trung bình đến nặng), Giãn phế quản, Loạn sản phế quản phổi, Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính,…
Bệnh nhân hút thuốc cũng có liên quan tới sự tăng tỷ lệ tử vong do COVID-196

TRẠNG THÁI SUY GIẢM MIỄN DỊCH (hệ thống miễn dịch suy yếu)
Hệ thống miễn dịch suy yếu có thể khiến bạn dễ bị bệnh nặng do COVID-19. Suy giảm miễn dịch nguyên phát là do các khiếm khuyết về gen có thể di truyền. Sử dụng kéo dài corticosteroid hoặc các loại thuốc làm suy giảm miễn dịch khác có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch thứ phát hoặc mắc phải.
Những người có bệnh hoặc đang dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch của họ có thể không được bảo vệ ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Họ nên tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị cho những người chưa được tiêm chủng, bao gồm cả việc đeo khẩu trang vừa vặn, cho đến khi được nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ khuyến cáo khác.

Thừa cân (được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 25 kg / m2 nhưng <30 kg / m2), béo phì (BMI ≥ 30 kg / m2 nhưng <40 kg / m2) hoặc béo phì nặng (BMI ≥ 40 kg / m2), có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19. Nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng tăng mạnh khi chỉ số BMI tăng.

GHÉP TẠNG ĐẶC HOẶC TẾ BÀO GỐC MÁU
Đã cấy ghép tạng đặc hoặc tế bào gốc máu, bao gồm cấy ghép tủy xương, có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19. Những bệnh nhân này khi mắc COVID-19 có mức độ cao hơn của dấu hiệu viêm khi chẩn đoán, và tỷ lệ cần chăm sóc đặc biệt, tỷ lệ tử vong tại bệnh viện cao hơn.

TIỂU ĐƯỜNG (tuýp 1 hoặc tuýp 2)
Mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19. Trong một nghiên cứu toàn quốc ở Thụy Điển, kết quả cho thấy bệnh tiểu đường tuýp 2 có liên quan với việc tăng nguy cơ nhập viện, chuyển khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) và tử vong do COVID-19.7
NHIỀU BỆNH LÝ NỀN CÙNG LÚC
Nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng tăng lên khi số lượng bệnh lý nền tăng lên.
Còn rất nhiều bệnh lý nền, tình trạng sức khỏe cũng như yếu tố xã hội, dịch tễ khác có thể khiến nguy cơ diễn biến nặng của bạn cao hơn.
Làm gì khi bạn hay người thân của bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao?
Nếu bạn hoặc người thân có tuổi cao và một hoặc nhiều bệnh lý nền thì tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa COVID-19 lại càng lớn, như là:

Tiêm chủng

Khử khuẩn

Khẩu trang

Khoảng cách

Không tập trung

Khai báo y tế
Liều vắc-xin tăng cường cũng đã được Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới khuyến cáo và tiến hành tiêm bổ sung cho người lớn tuổi và một số nhóm nguy cơ cao.
Ngoài ra, nhiều loại thuốc đang được nghiên cứu và phát triển để sử dụng từ giai đoạn sớm cho những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng.
Dùng cho những người có nguy cơ tiến triển bệnh cao, FDA*, EMA* và một số khuyến cáo trên thế giới đã ban hành phê duyệt khẩn cấp và phê duyệt đầy đủ cho một số kháng thể đơn dòng điều trị SARS-CoV-2.
Các kháng thể đơn dòng trung hòa SARS-CoV-2 (mAbs) đã được chứng minh là có lợi ích lâm sàng trong điều trị nhiễm SARS-CoV-2. Một số kháng thể đơn dòng kháng SARS-CoV-2 đã được phát hiện là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 khi tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Nếu được sử dụng, các kháng thể trung hòa nên được sử dụng càng sớm càng tốt sau khi chẩn đoán và trong vòng khoảng 10 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng.
Các thuốc uống kháng virus cũng đang được phát triển để sử dụng sớm cho các đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao diễn biến nặng và một số nhóm bệnh nhân khác.
Nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ cao, bạn cần tìm sự hỗ trợ y tế sớm nhất khi có các dấu hiệu bệnh để kịp thời chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ của bạn sẽ đánh giá và quyết định xem liệu các phương pháp điều trị sớm nào là phù hợp với bạn.
(*) Ghi chú:
1. FDA: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ
2. EMA: Cơ quan Dược Phẩm Châu Âu
Tài liệu tham khảo:
1. CDC Covid Data tracker [Internet]. Centers for Disease Control and Prevention; 2021. [Ngày truy cập: 30/11/2021]. Truy cập tại: https://covid.cdc.gov/ covid-data-tracker/#datatracker-home
2. Yanez, N.D., Weiss, N.S., Romand, JA. et al. COVID-19 mortality risk for older men and women. BMC Public Health. 2020; 20(1742)
3. Dai M, Liu D, Liu M, et al. Patients with Cancer Appear More Vulnerable to SARS-CoV-2: A Multicenter Study during the COVID-19 Outbreak. Cancer Discov. 2020;10(6):783-791.
4. Belsky JA, Tullius BP, Lamb MG, et al. COVID-19 in immunocompromised patients: A systematic review of cancer, hematopoietic cell and solid organ transplant patients. J Infect. 2021;82(3):329-338.
5. Anti-SARS-cov-2 monoclonal antibodies [Internet]. National Institutes of Health. U.S. Department of Health and Human Services; 2021 [Ngày truy cập: 30/11/2021]. Truy cập tại: https://www.covid19treatmentguidelines.nih.gov/ therapies/anti-sars-cov-2-antibody-products/ anti-sars-cov-2-monoclonal-antibodies/
6. Kuderer NM, Choueiri TK, Shah DP, et al. Clinical impact of COVID-19 on patients with cancer (CCC19): a cohort study. Lancet. 2020;395(10241):1907-1918.
7. Rawshani A, Kjölhede EA, Rawshani A, et al. Severe COVID-19 in people with type 1 and type 2 diabetes in Sweden: A nationwide retrospective cohort study. Lancet Reg Health Eur. 2021;4:100105.
M-VN-00000749
Các bài viết cùng chủ đề
Dưới đây chúng tôi liệt kê một loạt bài viết liên quan đến COVID-19 có thể bạn quan tâm: