Cơ bản về ung thư vú

Ung thư vú được chẩn đoán như thế nào?

Ung thư vú (UTV) thường được chẩn đoán bằng bộ ba: khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết mô vú 1,2,3

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ khám, kiểm tra vú và các bạch huyết, đồng thời hỏi bạn về tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em ruột có ai từng bị UTV hay không, tiền sử bản thân bạn đã mãn kinh hay chưa, có đang dùng thuốc điều trị nội tiết thay thế trong thời kỳ mãn kinh hay không,… Nếu nghi ngờ có khối u vú, bác sĩ sẽ cho thực hiện các chẩn đoán hình ảnh học.

Chẩn đoán hình ảnh

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng cho phụ nữ bị nghi ngờ ung thư vú bao gồm chụp nhũ ảnh, siêu âm và/hoặc chụp MRI:

  • Nhũ ảnh (mammography): là sử dụng tia X liều thấp chụp X quang tuyến vú để tìm các khối ung thư vú giai đoạn sớm. Mỗi bên ngực của bạn sẽ được đặt trên máy X quang và được ép vào giữa hai tấm phẳng để tạo ra hình ảnh rõ nét, hai tấm này ép vú của bạn để làm phẳng và trải rộng mô để có được hình ảnh tốt nhất có thể. Thủ thuật này có thể làm bạn không thoải mái, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Nhũ ảnh giúp cho thấy tuyến vú có khối u hay không, có thể có các dấu hiệu nghi ngờ nhưng không thể xác định liệu một khối u có phải là ung thư hay không. Nếu nhũ ảnh cho hình ảnh nghi ngờ, bác sĩ sẽ tiếp tục khảo sát thêm để xác định chẩn đoán.
  • Siêu âm vú: sử dụng sóng âm tần số cao (sóng siêu âm) quét vào mô vú để tạo ra hình ảnh bên trong. Ngoài khảo sát hình ảnh tuyến vú, siêu âm cũng rất thuận tiện để bác sĩ kiểm tra các hạch bạch huyết, như các hạch ở nách, hạch trên xương đòn,…
  • Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ): MRI sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh cắt lớp chi tiết về cấu trúc bên trong tuyến vú. Máy quét MRI thường là một ống lớn có chứa các nam châm cực mạnh. Bạn nằm bên trong ống trong quá trình quét, mất 15–90 phút tùy vào như cầu quét một phần hay nhiều bộ phận trên cơ thể. Chụp MRI không dùng thường quy mà được sử dụng như là một công cụ bổ sung để sàng lọc vú sau khi chụp nhũ ảnh và siêu âm hoặc có thể được dùng trong sàng lọc những phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao, như ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư vú, đột biến BRCA, nếu nghi ngờ có nhiều khối u,… MRI cũng được sử dụng để xem liệu khối u có đáp ứng với điều trị hay không và lập kế hoạch điều trị thêm, đánh giá túi ngực thẩm mỹ, đánh giá mức độ lan rộng và xâm lấn của khối u, kiểm tra vú đối bên, hạch nách, tổn thương còn sót lại sau phẫu thuật,...

Sinh thiết mô vú

Khi nghi ngờ ung thư vú qua khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết khối u vú. Sinh thiết là kỹ thuật lấy mô hoặc tế bào vú và xem dưới kính hiển vi để tìm ra ung thư vú. Có nhiều phương pháp sinh thiết, tùy thuộc vào kích thước và tính chất của khối u, và việc có quyết định loại bỏ u trong quá trình tiến hành thủ thuật này hay không, bác sĩ sẽ quyết định sử dụng phương pháp sinh thiết phù hợp cho bạn: 

  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA): chọc kim nhỏ vào vùng khối u để hút các tế bào hoặc dịch.
  • Sinh thiết lõi kim (Core needle biopsy): sử dụng một kim lớn hơn, có lõi rỗng để lấy mẫu mô tế bào vú. Bạn sẽ được gây tê vùng xung quanh u và khối mô được lấy ra có kích thước khoảng bằng hạt gạo.
  • Sinh thiết có hỗ trợ hút chân không (VABB): tương tự sinh thiết lõi nhưng kim lớn hơn, có đầu dò và có máy hút chân không để hút mẫu mô vào thiết bị. Thủ thuật này giúp lấy nhiều mẫu mô u hơn và cũng có thể được sử dụng để loại bỏ các khối u vú kích thước nhỏ. Có thể để lại sẹo nhỏ.
  • Sinh thiết qua mổ hở: là thủ thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u vú, thông qua một đường rạch nhỏ trên da. Bệnh nhân được gây mê toàn thân, và có thể được xuất viện trong ngày. Phương pháp này giúp lấy được nhiều mẫu mô hơn giúp khảo sát chi tiết hơn đặc điểm khối u. Vết sẹo dài hơn các phương pháp trên.

Bác sĩ có thể dùng siêm âm, nhũ ảnh hoặc MRI để xác định chính xác vị trí cần lấy mẫu  sinh thiết.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định nhiều loại xét nghiệm nếu nghi ngờ rằng ung thư đã di căn từ vú sang các bộ phận khác của cơ thể, như: xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), xạ hình xương,… là các xét nghiệm hình ảnh có thể được sử dụng để xác định xem UTV đã có di căn đến các cơ quan khác như phổi, gan, não, xương, các hạch bạch huyết,…hay chưa. 

Nếu đã chẩn đoán là UTV, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn và phân loại ung thư vú dựa trên kết quả của tất cả các thăm khám và xét nghiệm của bạn. Việc phân chia giai đoạn giúp mô tả khối u, kích thước và tình trạng nó đã phát triển tại chỗ hay xâm lấn ra các mô xung quanh, tình trạng các hạch bạch huyết, nhất là các hạch bạch huyết ở nách vì chúng là cửa ngõ để ung thư lan tràn đến các phần còn lại của cơ thể. Việc phân chia giai đoạn sẽ hữu ích cho việc lập kế hoạch điều trị phù hợp.

Có nhiều cách phân giai đoạn UTV, trong đó phổ biến nhất là hệ thống phân giai đoạn theo TNM. Hệ thống TNM đánh giá các yếu tố sau: 4,5

  • T (Tumor): Độ lớn, kích thước của khối u tại vú
  • N (Node): Liệu ung thư có di căn đến các hạch bạch huyết hay chưa
  • M (Metastasis): Liệu UTV đã di căn, lan tràn đến các vị trí xa, các cơ quan khác hay chưa

Đối với ung thư vú, có năm giai đoạn được đặt tên bằng số La Mã từ 0 đến IV. Nói chung, giai đoạn càng thấp thì tiên lượng càng tốt:

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư hoặc tiền ung thư ở vị trí khởi phát ban đầu của chúng trong mô vú, bao gồm ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS) và ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS).
  • Giai đoạn I: Ở giai đoạn này, khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm, chưa lan đến bất kỳ hạch bạch huyết nào.
  • Giai đoạn II: Khối u có đường kính từ 2 – 5 cm và đã bắt đầu lan đến các hạch gần đó.
  • Giai đoạn III: Khối u có đường kính hơn 5 cm và đã lan đến nhiều hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IV: Ung thư đã di căn khỏi vú, lan đến các cơ quan ở xa, thường là phổi, gan, não, xương,...

Việc phân chia giai đoạn UTV là rất quan trọng để bác sĩ có thể xác định được chiến lược điều trị tốt nhất cho bạn.  

 

Tài liệu tham khảo:
1. Breast Cancer: A Guide For Patients: https://www.esmo.org/for-patients/ patient-guides/breast-cancer
2. ASCO answer: Breast Cancer: https://www.cancer.net/sites/cancer.net/ files/asco_answers_guide_breast.pdf
3. Mayo Clinic: Breast Cancer for Patients: https://www.mayoclinic.org/ search/search-results?q=breast%20cancer
4. National Cancer Institute: Breast Cancer – Patient Version: https://www.cancer.gov/types/breast
5. American Cancer Society: Breast Cancer: https://www.cancer.org/cancer/ breast-cancer.html

M-VN-00000604

Chia sẻ bài viết này

Bài viết liên quan

Bên dưới là liệt kê các bài viết cùng chuyên đề ung thư vú